Đánh giá chủ đề:
  • 0 Vote(s) - Trung bình 0
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5

Một xã hội cho con người, vì con người - Chủ nghĩa xã hội trong tư tưởng Hồ Chí Minh
#1

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội (CNXH) là một bộ phận quan trọng trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là một nội dung rộng lớn. Trong phạm vi bài viết nhỏ này, chúng tôi chỉ xin đề cập một vài khía cạnh trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về CNXH.
Trước hết phải khẳng định rằng: Hồ Chí Minh hướng tới CNXH là hướng tới tìm một con đường cứu nước mới sau khi tất cả các con đường khác đã thất bại. Khát vọng và “ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(1) đã dẫn dắt Hồ Chí Minh trên hành trình bôn ba tìm kiếm con đường cứu nước giải phóng dân tộc, mang lại thống nhất, độc lập cho đất nước, tự do, hạnh phúc cho nhân dân - con đường cách mạng vô sản, gắn độc lập dân tộc với CNXH. Khi đọc Luận cương của Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, Người đã khẳng định: “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”(2). Chính tâm niệm và khát vọng lớn này của Hồ Chí Minh đã hướng Người lựa chọn con đường gắn độc lập dân tộc với CNXH.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam cho thấy, từ khi thành lập Đảng (năm 1930) đến năm 1954, nhiệm vụ chính trị trước mắt, có tính chất quyết định và được ưu tiên hàng đầu của cách mạng là đấu tranh chống thực dân xâm lược, giành độc lập tự do cho dân tộc. Chính vì thế, những vấn đề liên quan đến CNXH ít được đề cập trong các bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở giai đoạn này. Những nội dung về các vấn đề của CNXH chỉ thực sự được bàn tới một cách cụ thể và sâu sắc sau khi Cách mạng Tháng 8-1945 thành công, đặc biệt sau khi miền Bắc được giải phóng bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH (năm 1954).
Vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX, khi mô hình CNXH hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu rơi vào khủng hoảng và sụp đổ, các thế lực thù địch với Đảng Cộng sản Việt Nam đã lu loa lên rằng: Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã sai lầm ngay từ đầu khi đưa một học thuyết ra đời từ phương Tây (tức chủ nghĩa Mác - Lê-nin) áp dụng vào một nước phương Đông như Việt Nam v.v.. Đồng thời V.I.Lê-nin đã từng nhận định rằng hiện thời chủ nghĩa cộng sản (CNCS) chỉ có thể thắng lợi ở phương Tây, nhưng sau này với sự giúp đỡ của các nước đã tiến hành cách mạng XHCN, CNCS sẽ lan sang châu Á. Với nhãn quan chính trị rộng lớn của một bậc thiên tài, từ những năm 20 của thế kỷ XX, trước khi tiến hành truyền bá lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam, Hồ Chí Minh đã đặt ra câu hỏi CNCS có áp dụng được vào châu Á nói chung và ở Đông Dương nói riêng không?. Người khẳng định rằng mặc dù có nhiều chủ nghĩa khác nhau nhưng chỉ có chủ nghĩa Mác - Lê-nin là chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất, khoa học nhất. Hơn thế nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khẳng định trong bài báo “Đông Dương” tháng 5-1921: CNCS thâm nhập dễ dàng vào châu Á, dễ dàng hơn là ở châu Âu. Người đã chỉ ra các căn cứ đầy tính thuyết phục minh chứng cho khẳng định này. Ở nước ta có đầy đủ những tiền đề về tư tưởng, văn hóa, kinh tế, xã hội... bảo đảm cho một lý thuyết có nguồn gốc phương Tây - chủ nghĩa Mác - Lê-nin có thể được vận dụng thành công. Mặt khác, dù Người khẳng định chủ nghĩa Mác như “cẩm nang thần kỳ”, như “mặt trời soi sáng” nhưng ngay từ đầu Người đã có cách nhìn nhận rất biện chứng về học thuyết này: CNXH trước tiên là hướng tới tìm một con đường cứu nước. Chủ nghĩa Mác đến với Việt Nam không phải là một học thuyết như các học thuyết khác, mà như một công cụ giải phóng dân tộc, nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn lịch sử đang đặt ra là đánh đổ đế quốc, phong kiến giành độc lập, tự do cho đất nước. Mặt khác, trong điều kiện dân trí thấp kém của nước ta những năm đầu thế kỷ XX, với hơn 90% dân số là nông dân mà phần lớn lại mù chữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những cách thức hết sức độc đáo mà hiệu quả để thể hiện những quan điểm của mình về CNXH. Quan điểm của Người về CNXH rất ngắn gọn, đơn giản, mộc mạc, nôm na, dễ hiểu, phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh, từng đối tượng khác nhau. Người nói bằng tiếng nói của nhân dân để diễn đạt một trong những lý thuyết đầy tính bác học - lý thuyết về CNXH. Người không định nghĩa về CNXH với những tiêu chí đầy đủ, toàn diện, hoàn chỉnh của một mô hình lý tưởng được xây dựng sẵn để từ đó bắt thực tiễn phải khuôn theo. Hoạt động thực tiễn tới đâu thì nhận thức lý luận của Hồ Chí Minh về CNXH mở rộng ra tới đó. Dù Người không có một tác phẩm chuyên biệt nào bàn về CNXH nhưng tư tưởng về CNXH xuyên suốt trong nhiều tác phẩm của Hồ Chí Minh. Người có thể đưa ra định nghĩa về CNXH xét theo mục tiêu của CNXH hay theo các lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội. Người cũng có thể tiếp cận XHCN theo mục tiêu, con đường, cách thức, biện pháp, lực lượng xã hội tổ chức thực hiện... để đạt tới mục tiêu đó. Dù theo cách nào, thì tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH bao trùm lên tất cả là một chế độ xã hội hướng tới con người, cho con người, vì con người. Trong chế độ xã hội này, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực mà xã hội đó hướng tới phục vụ lợi ích và phát huy sức mạnh. Có thể nhận thấy rõ tư tưởng bao trùm này qua một số quan niệm Người đưa ra để nhận diện chế độ XHCN.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, CNXH là “thế giới của loài người” để phân biệt với thế giới cũ, không xứng đáng với con người theo nghĩa tốt đẹp, thế giới trong đó con người quan hệ với con người không theo lẽ công bằng, nhân đạo, thậm chí, thế giới của những sinh vật có hình dáng giống con người nhưng không phải con người. Xã hội thực dân kiểu cũ của Pháp ở Việt Nam là một điển hình của thế giới cũ đó, nơi con người “bị bịt mồm và bị giam hãm, bị làm cái đồ để tế ông thần tư bản”, nơi đó những con người bị xem như “bầy người”, họ “không biết suy nghĩ nữa” và “hoàn toàn vô dụng trong việc cải tạo xã hội”. Nói chuyện với cán bộ, sinh viên Việt Nam tại Mát-xcơ-va ngày 1-2-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định xã hội XHCN là: “một thế giới xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa không có người bóc lột người, mọi người sung sướng, vẻ vang, tự do, bình đẳng, xứng đáng là thế giới của loài người”(3).
Mục đích của CNXH là tất cả vì lợi ích của đông đảo những người lao động. Tư tưởng này được Hồ Chí Minh nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, với những đối tượng hết sức khác nhau. Nói chuyện với nhân dân tỉnh Hải Ninh ngày 20-2-1960 khi miền Bắc đang tiến hành cuộc cách mạng XHCN, Người khẳng định: “CNXH là làm cho mọi người dân được sung sướng, ấm no”. Với Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội ngày 20-6-1960, Người nói: “Mục đích của CNXH là không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân”. Trong lời khai mạc Liên hoan anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 3 ngày 4-5-1962, Người phát biểu: “CNXH là nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân”. Cụ thể hơn, mục đích của CNXH là gì? Nói một cách giản đơn và dễ hiểu là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động. Như vậy, dù diễn đạt bằng các ngôn từ khác nhau, CNXH theo Hồ Chí Minh là một xã hội hướng tới phục vụ lợi ích vật chất và tinh thần của đông đảo những người lao động. Người lao động là những người sản xuất ra phần lớn của cải vật chất và tinh thần cho xã hội, bảo đảm sự tồn tại và phát triển của xã hội, vì vậy xét về lô-gic, họ phải được hưởng thụ một cách xứng đáng những giá trị mà họ tạo ra. Điều giản dị và dường như tất yếu đó không bao giờ xảy ra dưới chế độ TBCN hay các chế độ xã hội khác không phải là CNXH. Ở các chế độ xã hội đó, người lao động được hưởng phần rất nhỏ bé những giá trị xã hội mà họ tạo ra, còn phần lớn rơi vào tay những “ông chủ”, những kẻ thống trị.
“Đời sống vật chất” ở đây được Người diễn đạt rất mộc mạc, bình dị, có khi là “cơm ăn, áo mặc”, có khi là “thoát nạn bần cùng, có công ăn việc làm, được ấm no”, có khi là “đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng”. Ở mức độ cao hơn, đời sống vật chất của con người là những lợi ích cá nhân đúng đắn của họ. Năm 1958, bàn về đạo đức cách mạng, Người khẳng định: “Không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thỏa mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Trong xã hội có giai cấp bóc lột thống trị, chỉ có lợi ích cá nhân của một số rất ít người thuộc giai cấp thống trị là được thỏa mãn, còn lợi ích cá nhân của quần chúng lao động thì bị giày xéo”(4).
Cũng như vậy, các cấp độ của đời sống tinh thần ngày càng tăng lên song cũng được thể hiện rất trực quan, giản dị. Có khi là “được học hành, có văn hóa cao, có đời sống tươi vui, hạnh phúc”, lúc khác dân giã hơn, mộc mạc hơn: “ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ”(5). Đời sống tinh thần ở mức độ cao hơn là sự công bằng, bình đẳng: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”. Nhu cầu tinh thần này hay chính là cách thức phân phối những giá trị được tạo ra trong CNXH được Người khẳng định trong khi trả lời những câu hỏi của cử tri Hà Nội ngày 10-5-1958: CNXH là công bằng, hợp lý, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm thì không được hưởng, những người già yếu hoặc tàn tật sẽ được nhà nước giúp đỡ chăm nom”. Ở mức độ cao hơn nữa, thước đo giá trị đời sống tinh thần là trạng thái dân chủ của xã hội đó. Chế độ XHCN và CSCN là chế độ do nhân dân lao động làm chủ. Đây là chế độ dân chủ nhân dân, dân chủ của số đông, nó khác biệt cơ bản về chất với các chế độ dân chủ của số ít đã từng tồn tại trong lịch sử như dân chủ chủ nô hay dân chủ tư sản.
Như vậy, mục đích nâng cao đời sống của đông đảo nhân dân lao động về cả vật chất và tinh thần là tiêu chí tổng quát để khẳng định và kiểm nghiệm tính chất XHCN của các lý luận CNXH và các chính sách thực tiễn. Có thể thấy, những vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra từ hàng nửa thế kỷ trước đây vẫn còn nguyên tính chất thời sự cho ngày hôm nay, khi mà tình cảnh nghèo đói của hàng trăm triệu người trên thế giới vẫn chưa được giải quyết, chưa có đường ra. Đó là vấn đề làm sao mang lại hạnh phúc cho số đông người lao động hay làm thế nào để khắc phục tình trạng nghèo đói, bệnh tật - những vấn đề mang tính chất toàn cầu.
Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH trước hết nhìn nhận con người như là mục tiêu quan trọng nhất của chế độ xã hội đó. Mặt khác, trong tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH, con người cũng được nhìn nhận như là động lực chính của cách mạng. Do đó “muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, cộng sản chủ nghĩa phải xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, con người cộng sản chủ nghĩa. Muốn có con người xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa thì phải xây dựng tư tưởng xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa. Mà muốn có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa thì phải gột sạch chủ nghĩa cá nhân... Mọi người đều phải có tư tưởng “mình vì mọi người, mọi người vì mình”(6). Người khẳng điều này năm 1959 khi miền Bắc đang bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH. Con người XHCN phải là con người “vừa hồng, vừa chuyên”, vừa có đức, vừa có tài trong đó đạo đức phải là gốc rễ. Người từng nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó!” Tuy nhiên, đức, tài không phải tự nhiên mà có, nó là sản phẩm của quá trình trau dồi, rèn luyện, học hành phấn đấu, nỗ lực của từng cá nhân dưới sự hậu thuẫn, trợ giúp của xã hội. Trong bài nói về đạo đức cách mạng đăng trên Tạp chí Học tập số 12-1958, Người khẳng định: Có gì sung sướng, vẻ vang hơn là trau dồi đạo đức cách mạng để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng CNXH và giải phóng loài người”. Người đặc biệt nhấn mạnh: chướng ngại vật lớn trên con đường xây dựng CNXH chính là tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, thắng lợi của CNXH không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân. Ngày 31-12-1958, nói chuyện với học sinh và giáo viên trường phổ thông cấp 3 Chu Văn An (Hà Nội), Hồ Chí Minh vạch rõ: Tư tưởng XHCN trái hẳn với tư tưởng cá nhân chủ nghĩa. Tuy nhiên, Người cũng phân biệt rất rõ chủ nghĩa cá nhân với những lợi ích cá nhân đúng đắn của con người, “Chống chủ nghĩa cá nhân không phải là giày xéo lên lợi ích cá nhân”. CNXH là một chế độ xã hội trong đó có sự hòa quyện một cách nhuần nhuyễn giữa cá nhân và tập thể, cá thể và cộng đồng, lợi ích cộng đồng được đề cao song không làm mất đi và lu mờ cái tôi của mỗi cá nhân. Trong chế độ XHCN và CSCN, mỗi người là một bộ phận của tập thể, giữ một vị trí nhất định và đóng góp một phần công lao trong xã hội. Cho nên lợi ích cá nhân nằm trong lợi ích của tập thể, là một bộ phận của lợi ích tập thể. Lợi ích chung của tập thể được bảo đảm thì lợi ích riêng của cá nhân mới có điều kiện để được thỏa mãn. CNXH là một chế độ xã hội mang tính nhân văn, nhân bản sâu sắc, hướng tới vì con người, cho con người, phát huy sức mạnh của con người cá nhân cũng như con người cộng đồng, ở đó cái tôi và cái chúng ta giao hòa với nhau.
Để có được một chế độ XHCN như vậy, phải tập trung phát triển kinh tế, văn hóa trong đó kinh tế phải được ưu tiên hàng đầu, kinh tế là yếu tố quyết định sự thắng lợi của chế độ XHCN so với các chế độ xã hội khác. Người khẳng định tại Hội nghị đại biểu những người tích cực trong phong trào văn hóa quần chúng ngày 11-02-1960: Muốn tiến lên CNXH thì phải phát triển kinh tế và văn hóa. Vì sao không nói phát triển văn hóa và kinh tế? Tục ngữ ta có câu: Có thực mới vực được đạo, vì thế kinh tế phải đi trước. Nhấn mạnh vai trò của phát triển kinh tế với thắng lợi của chế độ XHCN, nói chuyện với nhân dân Thủ đô về thành công của Đại hội lần thứ XXI Đảng Cộng sản Liên xô tối 19-02-1959, Người khẳng định: “Tờ báo tư sản Mỹ Cộng hòa mới viết: “Liên Xô chọn kinh tế làm chiến trường, trên chiến trường ấy chủ nghĩa cộng sản sẽ thắng lợi”(7). Như vậy, nhìn nhận kinh tế như điểm mấu chốt của sự thắng lợi giữa chế độ xã hội này với chế độ xã hội khác, có thể thấy quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về CNXH là chủ nghĩa nhân đạo hiện thực, có tính khả thi. Tuy nhiên, dù là phát triển kinh tế hay văn hóa thì động lực chính ở đây vẫn không có cái gì khác ngoài sức mạnh của quần chúng nhân dân. Đảng, Nhà nước chỉ giữ vai trò của người lãnh đạo, quản lý, định hướng chứ không thể làm thay nhân dân: CNXH là do quần chúng nhân dân tự mình xây dựng nên. Đó là công trình tập thể của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Những nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH chính là kho báu vô giá của Đảng và nhân dân ta, định hướng cho sự phát triển của đất nước ta trong bối cảnh thế giới và trong nước có nhiều biến đổi. Kiên định con đường XHCN mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, tăng cường các chính sách xã hội như xóa đói, giảm nghèo, nâng cao năng lực cho phụ nữ... chính là biểu hiện sinh động của việc triển khai tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH trong tình hình mới. Dù có biểu hiện dưới hình thái nào, thì điểm cốt lõi của việc vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH là hướng tới xây dựng một xã hội tất cả vì con người, cho con người. Trong xã hội đó, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Mục tiêu này vừa là đích tới, vừa là thước đo tính chất XHCN của tất cả các chủ trương, đường lối, chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước ta./.
------------------------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia,Hà Nội 2000, t 4, tr 161
(2) Hồ Chí Minh: Sđd, t 10, tr 127
(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t 9, tr 324
(4) Hồ Chí Minh: Sđd, t 9, tr 291
(5) Hồ Chí Minh: Sđd, t 10, tr 591
(6) Hồ Chí Minh: Sđd, t 9, tr 323
(7) Hồ Chí Minh: Sđd, t 9, tr 338


Sưu Tầm
Trả lời


Chủ đề liên quan...
Chủ đề / Tác giả Trả lời Xem Bài viết cuối

Đi tới chuyên mục:


Thành viên đang xem chủ đề: 1 Khách