Sinh viên ngại yêu -
08HH - 27-11-2009
Thời buổi kinh tế khó khăn nên dường như sinh viên đang e dè, ngần ngại khi quyết định bước theo thần tình ái.
Tình yêu = gánh nặng tình phí
Đó chính là nguyên nhân đầu tiên gây cho sinh viên, đặc biệt là tân sinh viên, sự ngại ngùng khi quyết định yêu một ai đó.
Đối với những cặp đôi đã gắn bó với nhau từ lúc cấp 3 thì đây là một thử thách khá lớn cho tình cảm của họ. “Mình ở tận Thủ Đức, nhỏ thì ở nhà bà con ở quận 1. Mỗi cuối tuần nhỏ xuống thăm mình chả lẽ lại ngồi nhà, không đi đâu. Nhưng đi chơi thì lại thâm vào một khoảng đáng kể trong chi tiêu của tháng đó. Mình thì chưa tự làm ra tiền được nên…đau đầu lắm…” - K.Tuấn (Học viện Bưu chính viễn thông) than thở.
Không chỉ có tân sinh viên, những “già làng” gắn bó lâu với cuộc sống nhà trọ, kí túc xá cũng rơi vào tâm trạng ấy. “Lúc trước còn rủ nhau đi ăn, dã ngoại vào cuối tuần, bây giờ thì bó tay. Thứ gì cũng lên giá cả, đó là chưa kể ba mẹ cũng đang gặp khó khăn ở quê vì bão, lũ. Tình yêu mà không hâm nóng thì nguội ngay…” -X.Tuyên (sinh viên năm 3, Cao đẳng Hải Quan) nói. Cậu bạn này đã ba tháng nay chưa có được một buổi đi chơi nào với người ấy của mình. “Tối nào cũng ngồi nhà, học, đọc sách và nghe nhạc. Nhiều lúc nhớ lắm thì cũng SMS thôi. Biết rằng nhỏ buồn nhưng biết làm sao được…Ba thằng bạn cùng phòng cũng chả khá khẩm hơn…” -Tuyên cười, nụ cười méo xệch.
Đó là chưa kể đến những anh chàng đã lỡ kết mô-đen những cô học trò của mình khi làm gia sư. “Đa số những cô bé ấy đều ở trong gia đình khá giả, được bố mẹ chu cấp đầy đủ. Lỡ yêu rồi thì cuối tuần nào mấy cô ấy cũng rủ đi chơi nơi này, nơi nọ. Đi một tháng là xong luôn tiền ăn….Chỉ biết hạn chế lại thôi…” - M.Linh (sinh viên năm 2, Đại học Kinh tế Hồ Chí Minh) nói.
Tình yêu vs Tín chỉ
Đa số những trường đại học, cao đẳng đều đã chuyển sang hình thức đào tạo theo tín chỉ, không học tập trung theo lớp sinh hoạt, chỉ là những người học cùng môn thì cùng lớp vậy thôi. “Đến lớp mình chỉ ngồi nghe giảng, làm bài. Hết giờ thì đứng lên ra về. Chả trò chuyện cùng ai mà cũng chả có cơ hội tìm hiểu. Còn lớp chính thức thì lâu lâu mới sinh hoạt một lần, bạn bè còn chưa biết mặt nhau hết mà yêu đương gì.” - M.Tâm (sinh viên năm 1, đại học
Ngân hàng Hồ Chí Minh) nói.
Nói về lớp tín chỉ, cô nàng H.Nhơn (sinh viên năm 2 trường Đại học Nông lâm) có câu chuyện kể khá vui. “Ngày đầu vào lớp, mình đã bị một anh chàng tăm tia. Nhìn hắn cũng bảnh trai, học hành đàng hoàng, lại đi học khá chuyên cần nên cũng có cảm tình. Nói chuyện qua lại một thời gian, cũng nhắn tin hỏi thăm hằng ngày thì thấy mến mến gã. Lúc cuối học kì, lên nhận học bổng mới biết gã là sinh viên năm 1, học vượt chương trình. Mà mình thì ngại yêu người kém tuổi lắm, mình học trễ những hai năm mà…”
Không chịu bó tay
Không chịu bó tay trước hoàn cảnh, nhiều anh chàng, cô nàng đã có những sáng kiến rất hay để vượt qua khó khăn.
“Mình và cậu ấy hai tuần mới gặp nhau một lần. Để hạn chế tiền xăng, hai đứa rủ nhau đi xe buýt vòng quanh thành phố, vừa vui lại thú vị. Còn đi ăn uống thì sòng phẳng, đôi khi thì theo tỉ lệ 7:3 vì cả hai đều còn là sinh viên mà. Lúc đầu cậu ấy phản đối giữ lắm nhưng sau này khi mình nhất quyết không chịu thay đổi thì cậu ấy mới đồng ý đó” - H.Loan (sinh viên Đại học Tài chính Kinh tế) chia sẻ bí quyết.
Còn chàng “thầy giáo” N.Khánh thì có một cô “học trò” rất tâm lí. “Cô bé biết mình là sinh viên nghèo nên chỉ hẹn lên mạng, tán gẫu rồi lâu lâu thì gọi điện, tuyệt đối không tán gẫu trong giờ học nha. Cô bé ấy còn tận dụng lúc gia đình đi chơi thì rủ mình đi theo với lí do
Trả công cho sự nhiệt tình vô cùng đáng yêu của thầy. Ban đầu còn ngần ngại nhưng được phụ huynh bật đèn xanh nên cũng mạnh dạn.”
Còn tình yêu tín chỉ thì sao? Có một bí quyết cho các bạn từ những bậc tiền bối đây. “Hãy rủ nhau lập một nhóm bạn học chung trong mỗi môn học rồi làm quen dần dần. Bảo đảm rất hiệu quả!” - A.Tâm (sinh viên Đại học Công nghệ thông tin) bật mí.
TRẦN MINH